Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Xung quanh việc có xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách?

Xung quanh việc có xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách?
LĐ - 216 LAN HƯƠNG 8:26 AM, 15/09/2016 Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Trong khi không ít chuyên gia có ý kiến cho rằng lấy tiền của ngân sách là tiền của dân để “cứu” nợ xấu là nghịch lý thì trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho rằng: “Ngay bây giờ có cho VAMC ngay 50.000 tỉ đồng mà không có cơ chế thì cũng chưa chắc đã xử lý được triệt để nợ xấu”.
Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đề án nghiên cứu dùng ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu hiện đang vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của các chuyên gia.

Trao đổi với báo giới, chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim cho rằng: “Dùng tiền của ngân sách, cũng là tiền của người dân để “cứu” các ngân hàng do họ có lầm lỗi khi quản lý là nghịch lý. Hơn nữa, Việt Nam đã khẳng định thực hiện cơ chế thị trường, và theo đó thì thị trường phải tự giải quyết vấn đề của nó”.

Cùng quan điểm, một chuyên gia khác cho rằng: “Tiền ngân sách là tiền của dân, dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Như vậy là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC cho rằng: “Cần nhìn đúng bản chất của sự việc là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, chứ không phải là dùng tiền ngân sách để bù lỗ nợ xấu, không thu hồi về. Dùng tiền để xử lý nợ xấu không phải là mất tiền, ví dụ VAMC được ứng tiền để mua nợ xấu của TCTD rồi bán thu hồi vốn, thậm chí còn có lãi. VAMC có trách nhiệm phải bảo toàn vốn và sinh lời, thì làm sao làm mất tiền của dân được?”.


Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC.

Còn theo ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Lao Động chiều ngày 13.9, cho biết: “Đây là lựa chọn về mặt chính sách, nếu để các NHTM tự xoay sở thì bấy lâu nay vẫn thế, và cái giá phải trả là nền kinh tế hiện nay. Tái cơ cấu ngành ngân hàng là chủ đề quan trọng bậc nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế mà trong đó, nợ xấu là vấn đề lớn. Đây không phải ngân sách bỏ tiền ra để xóa nợ cho người vay tiền, đây có thể coi như loại tín dụng nhà nước ứng vốn để xử lý nợ xấu. Sau này ngân sách thu hồi thông qua việc bán tài sản đảm bảo để lấy nguồn tái tụng”.

Ông Quốc Hùng cho biết: “Tôi cho rằng đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hướng nhìn nhận đánh giá khách quan và đúng đắn trong thời điểm hiện tại. Trên thế giới chưa có nước nào xử lý nợ xấu triệt để mà không dùng ngân sách. Thực tiễn cho thấy việc xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách thì bước đầu mới chỉ đạt hiệu quả là đưa tỉ lệ nợ xấu về mức cho phép. Thứ hai, các TCTD có các lộ trình triển khai xử lý nợ xấu chính mình gây ra và trái phiếu mà VAMC mua thì các NH có kế hoạch trích dự phòng nợ xấu”.

Theo Chủ tịch HĐTV VAMC, vấn đề cốt lõi hiện nay là mua nợ xấu về thì phải xử lý và bán được. “Các TCTD hiện đang tính toán, họ không muốn bán rẻ vì sợ lỗ. Nếu bây giờ ngân sách có cấp cho VAMC đến 50 nghìn tỉ đồng thì cũng chẳng mua được nợ xấu. Lý do vì VAMC khi mua nợ xấu thì phải bảo toàn vốn, không dại gì VAMC chịu mua đắt, mà các TCTD chẳng dại gì mà bán rẻ. Cuối cùng hai bên ngồi với nhau để thống nhất. Các TCTD chưa trích lập dự phòng rủi ro xong thì họ cũng chưa thể bán nợ xấu theo giá thị trường được. Vì vậy dù hiện tại có cấp ngay tiền để mua nợ xấu thì chưa làm được. Một thời gian nữa khi các TCTD trích lập dự phòng rủi ro tương đối, hành lang pháp lý đầy đủ thì thị trường mua bán nợ sẽ phát triển tự nhiên. Đến năm 2018-2019, khi thị trường dần hình thành, việc mua bán nợ triệt để hơn, hiệu quả hơn.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán năm 2015 tại NHNN và 13 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đã kết luận việc xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC (79,6 nghìn tỉ đồng), chiếm hơn 1 nửa trong tổng số 143,5 nghìn tỉ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2014, nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua, chỉ chiếm tỉ lệ cực kỳ khiêm tốn 0,65%. Tính lũy kế, sau hơn 3 năm triển khai VAMC mới xử lý được có 15% trong tổng số 251 nghìn tỉ đồng nợ xấu đã mua. Vì vậy, 85% nợ xấu mà các TCTD bán cho VAMC vẫn còn nguyên. Với cách thức vận hành VAMC như Việt Nam chỉ là giãn/hoãn nợ, kéo dài thời gian xử lý và cuối cùng các NHTM vẫn phải lo lấy (sau khi bán nợ VAMC phải trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ đó trong 5 năm).L.H

http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/tranh-cai-xung-quanh-viec-co-xu-ly-no-xau-bang-tien-ngan-sach-592533.bld

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nợ xấu là do dốt nát, yếu kém và tham nhũng gây ra, cớ sao lại lấy ngân sách ra mà trả nợ. Không thể đồng tình với đề xuất trên của Bộ KH&ĐT được. Bắt bọn tham nhũng phải trả chứ

    Trả lờiXóa