Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

(47) Sai lầm của ông Chung: Dân ĐNG căng băng rôn...

Cư dân Ngoại giao đoàn căng băng rôn phản đối điều chỉnh quy hoạch
14/10/2017 - Mới đây, cư dân khu Ngoại giao đoàn đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Ngoại giao đoàn. Nhiều băng rôn với những dòng chữ “Phản đối Hancorp thay đổi quy hoạch”, “Phản đối Hancorp biến đất công cộng thành chung cư” đã xuất hiện tại khu đô thị Ngoại giao đoàn.

Cư dân khu ngoại giao đoàn phản đối quy hoạch mới.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch các khu đất trong khu đô thị Ngoại giao đoàn tại phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội mà báo đã thông tin trong bài “Khu đô thị ngoại giao đoàn: Cư dân lo lắng trước quy hoạch mới”, mới đây cư dân sinh sống tại đây đã tiến hành căng băng rôn để phản đối quyết định quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu đô thị này.

Được biết, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có tờ trình số 2288/TTr-QHKT ngày 19/4/2017 gửi UBND TP Hà Nội và ngày 22/5/2017 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn ngoại giao tại Hà Nội – Tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, DDMKT1.

Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị không như thiết kế dự kiến ban đầu. Như ô đất ký hiệu CC2 có diện tích khoảng 9.549 m2 trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5% nay được điều chỉnh với mật độ xây dựng tăng lên 40%.


Cư dân đang sinh sống tại đây rất lo lắng trước quy hoạch mới.

Ví dụ như ô đất ký hiệu CC3-4 có diện tích 4.044 m2, theo điều chỉnh quy hoạch 1/500 trước đây có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng + 3 tầng hầm.

Tương tự như vậy, ô đất CC5 trước đây có diện tích 8.664 m2 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng thì nay được điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu HH1, chức năng là đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở) với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng + 3 tầng hầm với dân số khoảng 1.505 người.

Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ khu ngoại giao đoàn của UBND TP Hà Nội.

Ô đất ĐMKT1 với diện tích 4.801 m2 có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) không xác định tầng cao mật độ nhưng nay có tên gọi khác là ô BV, chức năng đất công cộng đô thị với mật độ xây dựng được phép nâng lên 40%, tầng cao trung bình là 12 tầng + 2 tầng hầm.

Trao đổi với PV, anh Tùng, một cư dân đã mua nhà ở đây từ những ngày đầu cho biết: “Tôi rất lo lắng khi được biết thông tin này, trước đây tôi mua nhà bởi vì ở đây có mật độ xây dựng ở đây thấp, có nhiều khu vực công cộng, thoáng đãng với các tiện ích như sân chơi cho trẻ em, sân tennis…nay điều chỉnh quy hoạch thay đổi công năng sử dụng một số lô đất, nhà cao tầng mọc lên san sát, dân số tăng, đường lại tắc và một loạt những hệ lụy khác nữa”.

Hợp đồng mua nhà của cư dân có nêu quy hoạch trước đây của khu ngoại giao đoàn.

“Chúng tôi mua nhà ở đây giá 28-30 triệu/m2, có hộ mất thêm 2-3 triệu/m2 để chọn căn có view đẹp nhưng bây giờ điều chỉnh quy hoạch view đó là công trình cao tầng. Như thế có phải người dân bị lừa không?”, anh Tùng cho biết.

Đồng tình với anh Tùng, anh Thắng cũng cho biết thêm: “Ngày trước thấy khu này quy hoạch rộng rãi, mật độ thấp thì chúng tôi mua, chứ theo quy hoạch như bây giờ thì khác gì khu nhà cao tầng HH ở Định Công?”.


Cư dân lo lắng khu ngoại giao đoàn sẽ giống như khu nhà HH Định Công.

Cùng quan điểm với anh Tùng, anh Thắng cũng cho biết: “Chủ đầu tư chưa kết nối hạ tầng đồng bộ đã xin điều chỉnh quy hoạch nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng. Cả khu đô thị gần 3000 dân đã về ở chỉ có một lối đi duy nhất là đi ra đường Đỗ Nhuận sau đó ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào nội đô. Trong khi tuyến đường Phạm Văn Đồng chật hẹp, thường xuyên ách tắc, nhiều tai nạn. Ở đây 2 năm trời KĐT vẫn chưa có một con đường đi cho tử tế”.

Trong một diễn biến khác, ông Lê Quang Huy - Giám đốc Ban quản lý dự án khu Ngoại giao đoàn cho biết, để giải quyết nhu cầu bức xức của cư dân khi phải lưu thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng thường xuyên xảy ra ách tắc, chủ đầu tư Hancorp dự tính mở tuyến đường 30m (đường Đỗ Nhuận) kết nối với đường Xuân La. Tuy nhiên, hiện tuyến đường này còn khoảng 170m chưa giải phóng mặt bằng và đoạn này không nằm trong phạm vi dự án. Nhưng vì lợi ích của cư dân, chủ đầu tư sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến đường đó.

Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công tuyến đường này - ông Huy khẳng định.

Và để giải quyết các kiến nghị của dân nhằm tìm ra tiếng nói chung của chủ đầu tư và cư dân trong thời gian tới, ngày 12/10, Hancorp sẽ trực tiếp đối thoại, trao đổi, làm rõ thông tin liên quan tới dự án.

Khu đô thị Ngoại giao đoàn trước đây nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… với quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Vũ Sơn
https://www.baomoi.com/cu-dan-ngoai-giao-doan-cang-bang-ron-phan-doi-dieu-chinh-quy-hoach/c/23566289.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét