Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Nỗi sầu nông nghiệp

Nỗi sầu nông nghiệp
21/10/2017 | Hội chợ Asean-Ấn Độ đầu tháng 8/2017, Việt Nam có một gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của Việt Nam. Ở đó, có các sản phẩm hữu cơ, bộ sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập”, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…
Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp
 hàng Việt Nam chất lượng cao
Ngày khai mạc, lộ trình của ông Thủ tướng Thái Chan-o-cha không dự định dừng ở gian hàng Việt Nam. Nhưng khi đi ngang, ông bỗng bị hút vào một quầy kê sát lối đi: Các loại gạo hữu cơ của Việt Nam, với cách trưng bày dân dã, thảm mạ xanh tươi, bộ gióng gánh, bao bố. Ông dừng phắt lại và hỏi: “Đây là gạo an toàn phải không?”.

Tôi đang trực ở đó, trả lời “Là gạo hữu cơ, thưa Thủ tướng”. Ông hỏi ngay: “Ai chứng nhận”? Tôi trả lời nhanh: “Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và chứng nhận hữu cơ châu Âu, tiêu chuẩn EU”. Ông gật gù, “bao bì đẹp, chắc ngon. Chúc mừng các bạn Việt Nam”.

Nói thật lòng, gạo đạt chuẩn hữu cơ của Việt Nam không có mấy nhãn hiệu, còn ít lắm, quá hiếm. Khi muốn trưng bày gạo hữu cơ, phải đi gom mãi cũng chỉ có hơn 5 nhãn hiệu: Trung An, Ecorice (hàng nhãn riêng hợp tác giữa Coop Mart với trang trại Viễn Phú Cà Mau), Hoa Sữa, Ecotiger Trà Vinh…

Và chỉ vài giờ sau, tôi tiếp một thương nhân Campuchia đến nhờ giúp ông bán… gạo hữu cơ Campuchia ở thị trường Việt Nam. Gạo hữu cơ Campuchia giờ đã xuất sang nhiều nước châu Âu, số lượng hiếm, quý, giá cao.

Mới đây, có việc qua Tà Keo, tỉnh sát biên giới An Giang, gặp người quen cũ, nay đang kinh doanh gạo. Anh nói về công thức của Campuchia: “Cứ lúa có tên, lúa sạch là mình giàu”. Sao vậy? Anh nói như chuyện hiển nhiên. Campuchia ruộng nhỏ hẹp, trung bình nửa mẫu một miếng ruộng, phải kiếm cái gì quí, ngon, thượng hạng “mần” để bán được giá. “Bán giá tốt thì thu nhập nông dân mới khá. Kể cả mai mốt tích tụ đất, diện tích lớn hơn, tụi tôi cũng vẫn nghe theo ông thầy thị trường, chỉ trồng cây có giá trị cao, chất lượng cao, tức an toàn và đúng tiêu chuẩn quốc tế”, nghe anh nói mà tôi tủi thân trong lòng quá chừng.

Vậy dù đất nhỏ hay lớn, chủ đất nghèo hay có vốn, họ cũng chỉ nghe “ông thầy thị trường”. Từ đó, họ tính toán theo các yếu tố trên toàn chuỗi giá trị.

Việt Nam mình đứng nhất thế giới về hồ tiêu, nhưng chỉ một trận thương lái Trung Quốc quậy phá là liêu xiêu. Nhiều năm chúng ta mơ hồ về vị thứ của các nông sản chính. Hạng nhất về hồ tiêu, hạng nhì về gạo, rồi hạng ba về cà phê… mà sao nông sản vẫn thừa ế, thu nhập nông dân quá kém, môi trường bị xâm hại, sức khỏe nông dân sa sút?

Làm nông hữu cơ ở Việt Nam giờ quá khó, tốn kém, phải có kiến thức kỹ thuật nhất là phải cực kỳ kiên định. Thay vì phải thực thi bốn điều kiện của sản xuất hữu cơ: đất sạch nước sạch, không xài hóa chất trong phân bón, không thuộc trừ sâu; giống đạt tiêu chuẩn chất lượng; chế biến bảo quản đúng cách và quản lý chất thải đồng ruộng đúng cách thì nông dân ta đang canh tác theo hướng “Bốn bất chấp”: chất lượng, giá cả, môi trường và sức khỏe sinh mạng người sản xuất.

Ta nổi tiếng thế giới nhưng toàn nổi tiếng về số lượng. Lượng nhiều, giá trị ít, thu nhập kém, môi trường hỏng, vòng xoáy cứ liên tục đi xuống. Nền nông nghiệp gia công của chúng ta phải thay đổi từ đâu?

Mới đây, có những tín hiệu xanh: Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và thích ứng biến đổi khí hậu đã tính ngược lại: giảm lúa vụ 3, xóa chủ trương an ninh lương thực, đề cao chất lượng và giá trị gia tăng. Người lạc quan thấy mừng vì chính sách có vẻ đổi hướng nhưng người thực tế hơn thì nhắc, đừng quên "nhịp" thay đổi chính sách đến thực thi được, cũng phải…5 năm. Chừng ấy, cha mẹ ơi, thị trường đã chia xong, thị phần đã định đoạt. Thu nhập của nông dân thì, hỡi ôi, liệu có tiếp tục chặt tiêu trồng điều, chặt cả tiêu điều thì trồng... sầu riêng, trong nỗi sầu chung?

Để sống còn trong bối cảnh hội nhập, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam phải đưa ngay tấm bảng hiệu đèn đỏ: Ngừng lại cái quán tính nặng nề: chạy theo sản lượng, bất chấp chất lượng và các yếu tố khác trong cạnh tranh. Làm sao để nông dân lắng nghe khuyên bảo của “ông thầy thị trường.”

Một số chuyên gia đã đưa giải pháp: Hãy thôi tư duy tập trung sản xuất mà tư duy theo chuỗi giá trị, học bạn bè các nước và áp dụng sáng tạo trong phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, và chăm lo việc ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới.

Theo tôi, việc đầu tiên Bộ Nông nghiệp nên dứt khoát là cấm lưu hành và bán thuốc độc chính là các loại phân bón, thuốc trừ sâu trừ cỏ chứa độc tố đang nhập ồ ạt qua vòng kiểm tra rất lỏng lẻo và chạy rần rần tự do vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch bởi những đường dây nhập và bán thuốc.

Nông dân đang nghiện thuốc, đất cũng nghiện theo.

Chúng ta cứ mãi kêu gọi các nước, hãy công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Vậy thì hãy chứng tỏ là ta thực sự muốn làm kinh tế thị trường, ngay trong nông nghiệp.

Vũ Kim Hạnh

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/noi-sau-nong-nghiep-3658848.html?vn_source=box-GocNhin&vn_medium=ho&vn_campaign=vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét